Xin chào các bạn, hôm nay Lite Convenience xin chia sẻ cho các bạn bài viết Phân Tích Cảnh Cho Chữ Trong “ Chữ Người Tử Tù” - Nguyễn Tuân do bạn Trịnh Ngọc Hân học sinh trường THPT U Minh - Cà Mau chia sẻ.
Bài làm
Nếu là một người
yêu thích văn học và những con người tài ba sáng tạo ra cái đẹp trong các tác
phẩm văn học thì mỗi khi nghe đến từ “ ngông” , ngay lập tức bạn cũng có thể
biết ngay người được nhắc đến đó chính là nhà văn Nguyễn Tuân. Vì sao lại là “
ngông”? Vì trước cái xã hội Tây – Tàu nhố nhăng trước Cách mạng, đó là biểu
hiện của một người yêu nước không cam tâm chấp nhận chế độ thực dân, mong muốn
vượt lên trên cái xã hội của những kẻ xu thời, thỏa mãn với thân phận nô lệ.
Ngoài chủ nghĩa sống độc đáo, Nguyễn Tuân còn thể hiện được tài năng bút pháp
nghệ thuật điêu luyện trong sáng tạo nghệ thuật. Đặc biệt là cảnh cho chữ trong
tác phẩm “ Chữ người tử tù” được rút ra từ tập truyện Vang bóng một thời – tác
phẩm kết tinh tài năng nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám. “
Cảnh tượng xưa nay chưa từng có” ấy đã thể hiện đầy đủ tư tưởng thẩm mỹ của
Nguyễn Tuân.
Như nhà văn Thạch
Lam từng viết: “ Thiên chức của nhà văn cũng như những chức vụ cao quý khác là
phải nâng đỡ những cái tốt để trong đời có nhiều công bằng, thương yêu hơn”.
Thật vậy, khi chọn bước đi trên con đường nghệ thuật, thiên chức của người nghệ
sĩ là sáng tác và sứ mệnh cao cả của họ là nâng đỡ những cái tốt: lòng bác ái,
tình người, cái đẹp,… để qua văn học, giúp con người thêm tin yêu vào cuộc
sống, tin vào những điều tốt đẹp, từ đó mà sự công bằng, yêu thương cũng được
lan tỏa. Và Nguyễn Tuân là một người cầm bút như thế, trong hoàn cảnh đề lao
tối tăm, ấy vậy mà Nguyễn Tuân vẫn khám phá, phát hiện ra vẻ đẹp bất diệt của
ánh sáng, của thiên lương trong sạch. Để rồi mang đến cho người đọc những nhận
thức rằng dù trong bất kì hoàn cảnh nào thì tài năng, khí phách, cái cốt cách
vẫn tỏa sáng. Đồng thời khơi gợi, nuôi dưỡng tâm hồn, niềm tin của con người về
đạo lí tất yếu rằng cái đẹp, cái thiện luôn chiến thắng cái xấu, cái ác… Biết
trân trọng những những con người tài hoa, nghệ dĩ và giá trị tinh thần của dân
tộc. Người đọc sẽ cảm nhận được tài năng trong việc khắc họa thành công cảnh
cho chữ qua đôi mắt tinh tế và có chiều sâu của Nguyễn Tuân, từng câu từ hiện
lên như những thước phim sống động đang mở ra trước mắt.
Đọc tác phẩm “ Chữ
người tử tù” người đọc biết rằng nguyên mẫu của Huấn Cao chính là nhà thơ Cao
Bá Quát. Phải chăng chính tài năng văn chương và khí phách ngút trời của Cao Bá
Quát đã trở thành nguồn cảm hứng cho Nguyễn Tuân? Để rồi một Huấn Cao bước vào
câu chuyện, mang một khí phách hiên ngang, phóng khoáng, chuộng tự do, chán
ghét những kẻ làm tôi mọi cho triều đình mục nát kia. Và đặc biệt là tài năng
của ông Huấn trong nghệ thuật viết thư pháp, viết chữ “ rất nhanh và rất đẹp”,
chữ ông Huấn “ đẹp lắm, vuông lắm”. Tài năng ấy đã nổi tiếng khắp một vùng tỉnh
Sơn đến cả một viên quản ngục và một thầy thơ lại vô danh cũng biết đến, có
được chữ ông Huấn cho đã trở thành nỗi khát khao của nhiều người, trong đó có
viên quản ngục. Viên quản ngục tuy là người đại diện cho trật tự xã hội lúc bấy
giờ, là người quyết định quyền sinh, quyền sát của tù nhân. Nhưng vốn là người
biết đọc “ vỡ nghĩa sách thánh hiền”, tức là người có học, có nền tảng đạo đức,
chính vì thế đứng trước một tài năng, uyên bác như Huấn Cao, viên quản ngục chỉ
có một sở nguyện duy nhất là “ một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một đôi
câu đối do tay ông Huấn cao viết”, chẳng khác gì là “ một vật báu trên đời”.
Yêu quý cái đẹp là vậy nhưng viên quản ngục lại sống ở nơi ngục tù – nơi mà
người ta chỉ sống bằng nhẫn tâm, bằng lừa lọc. Hoàn cảnh éo le ấy đã vô tình
khiến cho Huấn Cao một chút nữa thôi “ đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”,
cảm nhận được tấm lòng biệt nhỡn liên tài của viên quản ngục, Huấn Cao đã quyết
định cho chữ, và thế là một “ cảnh tượng xưa nay chưa từng có” đã được diễn ra.
Nói cảnh cho chữ là “ một cảnh tượng xưa nay chưa từng có” có lẽ là vì xưa nay cảnh cho chữ vốn phải được diễn ra nơi thư phòng trang trọng, sạch đẹp, sáng sủa, nhưng trong tác phẩm lại được diễn ra ở một nơi trong “ buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bữa bãi phân chuột, phân gián”,nơi cái ác và bóng tối đang ngự trị, lúc mà trại giam tỉnh Sơn chỉ còn vẳng tiếng mõ trên vọng canh, thời gian diễn ra cũng thật gấp rút, vội vã để tránh những tai mắt của bọn lính canh. Chỉ với một ngọn đuốc đỏ rực tẩm dầu và một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ cùng với ba con người đang chăm chú. Ngay lúc ấy trật tự kỉ cương dường như bị đảo lộn hoàn toàn, người tử tù “ cổ đeo gông, chân vướng xiềng” với cương vị là người sáng tạo và ban phát cái đẹp đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván. Còn viên quản ngục – một người đại diện cho trật tự xã hội bây giờ là người lĩnh hội cái đẹp, “ khúm núm” cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ, thầy thơ lại thì run run bưng chậu mực. Ngày mai đây, Huấn Cao phải đi ra pháp trường lãnh án, nhưng ông cũng không quên răn dạy viên quản ngục – một thanh âm trong trẻo, rằng: “ Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”. Viên quản ngục không khỏi xúc động, chắp tay vái lại người tù, nước mắt rĩ vào kẽ miệng nghẹn ngào: “ Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”.
Cảnh cho chữ ở
cuối tác phẩm khép lại, Huấn Cao và viên quản ngục sau đó sẽ như thế nào, chưa
ai biết cả! Nhưng ý nghĩa của cảnh tượng xưa nay chưa từng có ấy sẽ in một dấu
ấn rất đậm vào trong tiềm thức của độc giả. Cảnh cho chữ đã bật nổi của chủ đề
trong tác phẩm, khẳng định và tôn vinh sự chiến thẳng cái đẹp, cái thiện đối
với cái xấu, cái ác, của ánh sáng và bóng tối, đề cao nhân cách cao cả. Ca ngợi
tấm lòng thiên lương trong sáng của nhân vật Huấn Cao và viên quản ngục, vì một
người xưa nay chưa từng lạm dụng tài năng của bản thân vì giàu sang hay quyền
quý, là một người chính trực, luôn sống với khát khao và đam mê sáng tạo cái
đẹp, và cũng vì một người bị đày ải, đem những cái thuần khiết vào giữa đống
cặn bã nhưng cũng không hề đánh mất đi cái tâm hướng thiện, tấm lòng biệt nhỡn
liên tài, khát khao chữ nghĩa mà đại diện là viên quản ngục. Từ đó thể hiện rõ
hơn quan niệm thẩm mỹ mới mẻ của Nguyên Tuân: cái đẹp là bất diệt, cái tài và
cái tâm, cái đẹp và cái thiện không thể tách rời. Trước khi đến với cái đẹp của
nghệ thuật phải giữ trọn cái đẹp của thiên lương. Cái đẹp có sức cảm hóa thật
lớn lao.
Nếu như người cầm
bút được ví như những con người trồng hoa thơm, hoa đẹp thì độc giả cũng được
ví như những con ong bay đến những đóa hoa, không phải chỉ để thưởng thức hoa
đẹp mà để hút mật ngọt ngào nơi nhụy hoa. Nguyễn Tuân đã viết nên tác phẩm “
Chữ người tử tù” để độc giả tìm đến và một lần được quay về với triều đại phong
kiến xưa, đắm mình vào khung cảnh cho chữ đầy éo le, ngang trái, sống lại với
những giá trị tinh thần to lớn của nghệ thuật thư pháp. Để ta thêm hiểu và đồng
cảm với tác giả về quan niệm thẩm mỹ, dù là trong ánh sáng hay là nơi bóng tối,
nơi cái ác đang ngự trị vẫn sẽ có cái đẹp mà điển hình là viên quản ngục. Cái
thiên lương trong sáng là khi dù ở hoàn cảnh nào cũng sẽ không bao giờ chịu
khuất phục trước tiền bạc, quyền uy. Bước ra cuộc sống ngoài kia, ta không căm
ghét toàn bộ những con người phải sống trong một hoàn cảnh bất lương, một môi
trường xấu nữa vì đâu đó vẫn còn có những con người luôn khao khát giữ lấy
thiên lương trong sạch như viên quản ngục.
Qua cảnh cho chữ
trong tác phẩm “ Chữ người tử tù”, Nguyễn Tuân đã thể hiện được tài năng bút
pháp lãng mạn của ông và lối văn chương luôn khao khát hướng đến chân – thiện –
mĩ. Trong chính cảnh đề lao tăm tối, giữa những cặn bã của cuộc đời, thế mà ông
vẫn tìm được đến cái đẹp và khẳng định rằng cái đẹp là bất diệt. Nguyễn Tuân đã
thành công trong việc xây dựng hình tượng nhân vật, đặt họ vào tình huống éo le
để bật nổi tính cách và nét độc đáo nữa trong cách xây dựng nhân vật của nhà
văn chính là mỗi nhân vật đều được nhìn từ phương diện tài hoa – nghệ sĩ: một
Huấn Cao văn võ song toàn, thiên lương trong sáng, khí phách hiên ngang hay một
viên quản ngục trân trọng người tài, say mê cái đẹp….Thủ pháp tương phản được
sử dụng triệt để qua việc miêu tả sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối, giữa
cái thiện và cái ác,… Cùng với ngôn ngữ cổ kính, trang trọng như những thước
phim cổ trang đang hiện lên trước mắt đã góp phần tạo nên sức hút và thành công
cho tác phẩm và đặc biệt là cảnh cho chữ.
Ghi chú: Các bạn độc giả muốn đóng góp tài liệu cho Lite Convenience liên hệ qua Email: liteconvenience@gmail.com
Copyright © ReLub.Net