Xin chào các bạn, hôm nay Lite Convenience xin chia sẻ cho các bạn bài viết Phân Tích Bài Thơ “Từ Ấy” Của Nhà Thơ Tố Hữu do bạn Trịnh Ngọc Hân học sinh trường THPT U Minh - Cà Mau chia sẻ.
Bài làm
“Thơ là đôi cánh
nâng tôi bay
Thơ là vũ khí
trong trận đánh”
Thật vậy, từ lâu
những vần thơ đã hòa vào dòng chảy miên man của cuộc đời, thơ chẳng những nâng
đỡ tâm hồn con người mà thơ còn trở thành “vũ khí” đắc lực theo chân người lính
ra trận. Đến đây, ta chợt nhớ đến Tố Hữu – một nhà thơ trữ tình chính trị, nhận
xét về thơ Tố Hữu, Đặng Thai Mai từng nói: “thơ là hình thức tươi đẹp của hoạt
động cách mạng, của sự sống”. Thơ Tố Hữu luôn có sự hòa quyện giữa lí tưởng đấu
tranh cách mạng và chất trữ tình chính trị, đó cũng chính là phong cách riêng
trong sự nghiệp văn chương của Tố Hữu. Và bài thơ “Từ ấy” như một mốc son in
đậm trong chính cuộc đời của Tố Hữu, khi ông được kết nạp vào Đảng cộng sản
Đông Dương năm 1938 – tâm nguyện bấy lâu nay của nhà thơ.
“Từ ấy” là một bài
thơ không chỉ thể hiện những xúc cảm dâng trào niềm vui, niềm hạnh phúc của tác
giả mà còn diễn tả những chuyển biến sâu sắc trong tình cảm của chính nhà thơ.
Mở đầu bài thơ là dòng cảm xúc vui sướng mãnh liệt của nhà thơ khi bắt gặp ánh
sáng lí tưởng:
“Từ ấy trong tôi
bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí
chói qua tim”
“Từ ấy” là từ chỉ
thời gian phiếm chỉ không rõ ràng, nhưng gợi nhiều cảm xúc, đó là niềm vui tột
cùng của nhà thơ Tố Hữu khi ông gặp được lí tưởng sống cao đẹp cho chính cuộc
đời mình – một cuộc đời đã từng đắm chìm trong vòng bế tắc, lẩn quẩn với bao
nhiêu mối ngổn ngang. Đồng thời, đó còn là khoảnh khắc mà tâm hồn rung động sâu
thẳm nhất, đánh dấu cho mốc son quan trọng trong cuộc đời nhà thơ. Nhà thơ đã
miêu tả nó như “nắng hạ”, như ánh sáng sáng rực rỡ, chói chang của mùa hè, soi
rọi vào tận tâm can của nhà thơ. Ánh sáng đó được ẩn dụ như hình ảnh “mặt
trời”, nếu như mặt trời thật đem lại ánh sáng ấm áp cho vạn vật, là nguồn sống
cho muôn loài, thì “mặt trời chân lí” - mặt trời của Đảng đã xua tan màn sương
mù tối tăm kia, mang đến một lẽ sống mới không chỉ cho chính tác giả, còn cho
cả dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ. Tố Hữu đã sử dụng những động từ mạnh như
“bừng”, “chói” để diễn tả một cách mạnh mẽ, quyết liệt ảnh hưởng to lớn cho ánh
sáng của Đảng khiến cho người Cách mạng như bừng tỉnh sau những tháng ngày quẩn
quanh, không tìm được hướng đi.
“Hồn tôi là một
vườn hoa lá
Rất đậm hương và
rộn riếng chim”
Nhờ vào ánh sáng
của Đảng mà tâm hồn khô cằn của người chiến sĩ năm nào giờ đây đã trở nên thật
vui tươi, rộn ràng, tràn đầy nhựa sống hơn bao giờ hết. Nhà thơ đã so sánh “Hồn
tôi” như một “vườn hoa lá” với đủ trăm ngàn hương sắc, muôn loài chim đua nhau
hót vang trời. Dường như, sau cơn mộng mị đen tối, lẩn quẩn, thi nhân đã bắt
gặp ánh sáng lí tưởng của Đảng đã đủ mạnh để thức tỉnh tâm hồn ông, khiến tác
giả nhận thức được những lí tưởng sống đúng đắn, vững vàn. Cuộc đời để đáng
sống hơn, tốt đẹp hơn nếu như ta bắt gặp được mục đích, lí tưởng sống, như
chính câu nói của nhà văn người Pháp: “Nếu không có mục đích, anh không làm
được gì cả, anh cũng không làm được cái gì vĩ đại nếu mục đích tầm thường.”
Khi đã tìm được
chân lý của cuộc đời mình, tác giả đã có những chuyển biến trong dòng xúc cảm
với những nhận thức mới về lẽ sống:
“Tôi buộc lòng tôi
với mọi người
Để tình trang trải
với trăm nơi
Để hồn tôi với bao
hồn khổ
Gần gũi nhau thêm
mạnh khối đời”
Trước khi được trở
thành một nhà cách mạng, được giác ngộ lí tưởng mới thì Tố Hữu là một thanh
niên tiểu tư sản. Với tư tưởng tiểu nông hạn hẹp thì giờ đây nhà thơ đã có cách
nhìn nhận mới trong suy nghĩ. Nhà thơ đã bỏ qua sự hẹp hòi của tư tưởng cũ, vượt
qua những rào cản định nghĩ của giai cấp để thấu hiểu quần chúng khổ lao. Đây
không phải là sự ép buộc mà nhà thơ đã tự nguyện “buộc”, tự nguyện gắn mình với
“mọi người”, với những tầng lớp bần cùng của xã hội. Đem trái tim mình hòa cùng
nhịp đập, cùng đau với những nỗi đau của đồng bào, cùng chia sẻ những mất mát,
đắng cay ngọt bùi mà nhân ta đang chịu đựng. Nhà thơ mong muốn gắn kết những
con người đang chịu cảnh nô lệ trở thành “khối đời” – một khối thống nhất, như
anh em máu mủ ruột rà, taọ nên một sức mạnh tập thể, không gì có thể đàn áp
được. Qua khổ thơ, tác giả đã khẳng định rằng sự gắn bó bằng tình yêu chân
thành sẽ tạo nên mạch ngầm sâu thẳm gắn kết toàn dân tộc trong một khối thống
nhất, vững bền.
Bốn câu thơ cuối
thể hiện rõ tấm lòng, sự đồng cảm của chính nhà thơ, lời khẳng định trong con
đường làm cách mạng:
“Tôi đã là con của
vạn nhà
Là em của vạn kiếp
phôi pha
Là anh của vạn đầu
em nhỏ
Không áo cơm, cù
bất cù bơ…”
Nhà thơ đã sử dụng
điệp từ “là” cùng với những từ “con, em, anh” như một sự khẳng định sâu sắc sự
gắn bó ân tình giữa bản thân với nhân dân lao động cần lao. Nhà thơ như một
thành viên trong gia đình của mọi tầng lớp trong xã hội. Đến đây, Tố Hữu đã
thật sự hòa mình cùng với đời sống của nhân dân. Nhà thơ tự nguyện làm “con của
vạn nhà, làm “em của vạn kiếp phôi pha” và cả làm “anh của vạn đầu em
nhỏ", nguyện mang cả cuộc đời mình để đem lại hạnh phúc cho những mảnh đời
bất hạnh, những kiếp sống mòn mỏi trong tuyệt vọng, những đứa trẻ tội nghiệp,
bất hạnh. Qua đó, ta còn cảm nhận được sự căm ghét sâu sắc trong lòng tác giả
đối với những cảnh bất công trong xã hội, và cũng chính những mảnh đời đáng
thương đó mà nhà thơ đã chọn đi theo cách mạng, đi theo tiếng gọi của Tổ quốc
mà hăng say chiến đấu và sáng tác “vũ khí”.
“Từ ấy” quả thật
là những vần thơ mang đậm hình hài, dấp vấp của người thi sĩ Tố Hữu – một người
dành trọn cuộc đời cho lí tưởng cách mạng cao đẹp. Những vần thơ ấy đã diễn tả
niềm vui sướng, hạnh phúc, say mê đến tột đỉnh của nhà thơ khi ông được giác
ngộ lí tưởng cách mạng, cuối cùng nhà thơ cũng đã tìm cho mình được một lối đi
đúng đắn, vững vàn nhất, lẽ sống cao cả nhất. Qua đó ta còn cảm nhận được những
chuyển biến sâu sắc, tinh tế trong tư tưởng, tình cảm của người thanh niên trẻ
tuổi khi tròn 18 tuổi. Với chất trữ tình chính trị, sự kết hợp từ giọng điệu,
ngôn ngữ thơ, hình ảnh thơ đầy sáng tạo, tươi sáng như chính ánh sáng của Đảng,
nhịp thơ dồn dập, hối hả như đang thôi thúc tâm hồn độc giả… tất cả đã cho thấy
một hồn thơ Tố Hữu in đậm văn phong riêng biệt, khó lẫn vào bất cứ một hồn thơ
nào khác.
Ghi chú: Các bạn độc giả muốn đóng góp tài liệu cho Lite Convenience liên hệ qua Email: liteconvenience@gmail.com
Copyright © ReLub.Net