Xin chào các bạn, hôm nay Lite Convenience xin chia sẻ cho các bạn bài viết Phân Tích Bài Thơ “Đây Thôn Vĩ Dạ” Của Nhà Thơ Hàn Mặc Tử do bạn Trịnh Ngọc Hân học sinh trường THPT U Minh - Cà Mau chia sẻ.
Bài làm
Như “một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời văn
học”, ngôi sao ấy vụt qua rất nhanh và rất sáng, nhanh đến rồi cũng vội đi để
lại trong lòng bao người câu tự vấn: “Hàn Mặc Tử, anh là ai?” Cổ điển hay tân
kì, huyền thoại hay là hiện thực, thiên tài hay là kẻ mê hoặc, điên loạn. Nhưng
dù Hàn Mặc Tử là như thế nào thì luôn có một điều không thể phủ nhận rằng ông
đã để lại dấu ấn không nhòa phai trong lịch sử văn chương dân tộc với văn phong
rất riêng, rất Mặc Tử! Và bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” là bài thơ tiêu biểu cho hồn
thơ của chàng thi sĩ họ Hàn, được coi là một thi phẩm xuất sắc cho thơ ca Việt
Nam hiện đại. Tuy cuộc đời lắm đỗi bi thương nhưng đối với nhà thơ, đó là nguồn
cảm hứng cho sự sáng tạo nghệ thuật mãnh liệt.“Đây thôn Vĩ Dạ” là một bức tranh đẹp về phong cảnh xứ Huế, đồng thời bức tranh ấy còn là tâm cảnh thể hiện lòng yêu đời, ham sống mãnh liệt mà đầy uẩn khúc của nhà thơ. Mỗi khi nhắc đến thôn Vĩ, ta chợt nhớ đến câu chuyện tình yêu lắm cảm xúc và cũng lắm nỗi bi thương của Hàn Mặc Tử và nàng Hoàng Thị Kim Cúc. Vì căn bệnh phong hiểm nghèo bất ngờ gián xuống cuộc đời của Mặc Tử mà ông đã phải giã từ với biết bao ước mơ của tuổi trẻ và hi vọng về tình yêu. Nhớ đến cố nhân, người tình trong mộng xưa, cảnh xưa ta lại nhớ đến Vĩ Dạ thôn.
Bài thơ được mở đầu bằng một câu hỏi hay phải chăng là một câu trách móc nhẹ nhàng:
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”
Được mở đầu bằng một câu hỏi tu từ khiến cho độc
giả trở nên hứng thú. Câu thơ có thể là lời mời hoặc lời trách móc hay xa hơn
là lời ao ước thầm kín của tác giả mong muốn được một lần về thăm thôn Vĩ, nơi
vùng thôn quê thơ mộng xứ Huế và cũng là nơi của cố nhân. Dường như nhà thơ đã
tự phân thân để giãi bày tâm trạng tiếc nuối và nhớ mong của mình khi không thể
tới thôn Vĩ được vì căn bệnh phong hành hạ. Căn bệnh hiểm nghèo khó chữa ấy lúc
bấy giờ đã làm người ta đau đớn về thể xác và sự sống mong manh có thể cướp con
người ta đi bất cứ lúc nào.Ba câu thơ tiếp theo đã gợi lên vẻ đẹp hữu tình của thiên nhiên thôn Vĩ đầy gần gũi, tươi mới trong khoảnh khắc hừng đông:
“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”
Ôi cảnh sắc nơi Vĩ Dạ thôn thật đẹp đẽ, thật
tươi mới, rõ nhẹ vào lòng người những ấn tượng mạnh mẽ. Thật hạnh phúc làm sao
khi mỗi ngày được đón những tia nắng sớm, bắt đầu một ngày mới tươi trẻ, năng
động. “Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên” câu thơ đã thể hiện nét đẹp hài hòa của
ánh nắng trong trẻo, tinh khiết của buổi sớm mai nhẹ nhàng soi rọi xuống hàng
cau tươi xanh. Bên những hàng cau là khu vườn thôn Vĩ hiện lên với tất cả những
gì xanh tươi nhất, những cây, những hoa hay có thể là những ngọn cỏ tất cả đều
xanh tốt, mượt mà đến ngỡ ngàng, khiến tác giả phải thốt lên: “Vườn ai mướt quá
xanh như ngọc”. Đây quả là thiên đường của sức sống ngập tràn. “Vườn ai” ta
không thể xác định được chủ nhân cụ thể của khu vườn mà ta chỉ có thể biết được
khu vườn ấy được thi nhân cảm nhận “xanh như ngọc” một màu xanh tươi nguyên,
trong trẻo, tinh khiết nhất, đó là lời trân trọng thiết tha với sức sống mãnh
liệt của khu vườn.Bên cạnh cảnh sắc tươi đẹp của thiên nhiên là sự xuất hiện của bóng dáng con người thôn Vĩ:
“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
Hình ảnh “mặt chữ điền” gợi cho ta liên tưởng
đến cái hồn của những con người hiền lành, đôn hậu, chất phác. Khuôn mặt ấy
được che giấu kín đáo, e ấp sau “lá trúc”, lá trúc xanh tươi đã làm bật lên vẻ
đẹp của con người xứ Vĩ Dạ. Ta chẳng biết được người ấy là một đấng nam nhi hay
là một thục nữ duyên dáng, ta chỉ có thể hình dung con người nơi đó họ mang một
nét đẹp không phô trương, lộng lẫy mà thật kín đáo, dịu dàng. Cảnh sắc và con
người thôn Vĩ thật đẹp, thật yêu kiều, nồng hậu, khiến thi nhân càng nhớ nhớ
thương thương.Đến khổ thơ hai, Hàn Mặc Tử tạm xa rời với những kí ức về thiên nhiên và con người thôn Vĩ Dạ, chàng nhớ đến dòng sông Hương êm đềm, thơ mộng, đằng sau đó là bao nỗi niềm thầm kín của tác giả:
“Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”
Nhà thơ đã sử dụng phép nhân hóa, cảnh vật hiện
lên mang vẻ đượm buồn của sự chia lì, phiêu tán “gió theo lối gió” còn “mây
đường mây”. Ta tưởng chừng hai thứ “gió” và “mây” sẽ chẳng thể tách rời, ấy vậy
mà trong thơ Hàn, tất cả lại vội chia lìa, xa cách vì một nỗi chăng? Phải chăng
đó là sự mặc cảm của tác giả trước căn bệnh phong phải chịu cảnh tách biệt với
thế giới bên ngoài. Dòng nước thì lặng lẽ “buồn thiu” là bởi nhà thơ đã âm thầm
gửi nỗi buồn của mình vào nó, để con nước mang đi khắp nơi. Đoạn thơ này đã thể
hiện rõ nét nhất bút pháp tả cảnh ngụ tình của tác giả, mà trước đó ta thường
thấy trong thơ cổ, điển hình là “Truyện Kiều” của Nguyễn Du: “Cảnh nào cảnh
chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” Nỗi buồn miên man ấy đã lan
tỏa khắp đất trời, đến cả “hoa bắp lay” cũng mang nỗi sầu hiu hắt. Đằng sau sự
buồn bã của cảnh vật là nỗi buồn của tác giả, đó cũng chính là nguyên nhân của
sự lan tỏa nỗi buồn khắp không gian:“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Bằng hai câu hỏi tu từ cùng với những hình ảnh
mê hoặc lòng người “dòng sông trăng” và “thuyền” chở trăng. Trăng là thế giới
riêng của nhà thơ, là bạn tri âm tri kỉ. Trăng là nơi trú ngụ cuối cùng của
linh hồn ông, trốn tránh sự truy đuổi đến cùng của đau đớn và cái chết. Tác giả
mong ước con thuyền đậu trên bến sông trăng hãy chở trăng về một nơi nào đó
trong mơ, một vẻ đẹp thật lung linh, huyền ảo, nửa là thực, nửa là hư ảo. Tại
sao thuyền phải chở trăng về kịp tối nay”- đó là câu hỏi biểu lộ niềm lo lắng
của một số phận không có tương lai .Tác giả hiểu căn bệnh của mình nên ông mặc
cảm về thời gian ngắn ngủi của cuộc đời mình. Giờ đây đối với ông sống là chạy
đua với thời gian, ông luôn trân trọng từng ngày từng giờ, từng phút.Từ “ kịp”
nghe có gì đó khắc khoải, tha thiết và đầy hi vọng chờ đợi một cái gì đó đang
rời xa. Tối nay không biết là tối nào nhưng nếu không “kịp” chắc sẽ không còn
thêm cơ hội nào nữa. Đây chính là nỗi ước ao, tha thiết với một nỗi buồn man
mác của Hàn Mặc Tử khi nhớ mong về Thôn Vĩ.Đến khổ thơ cuối, nhịp thơ trở nên khác hẳn, gấp gáp, vội vàng hơn:
“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra"
Tác giả dường như đã lặng đi trong mơ tưởng, mơ
về một vị “khách đường xa”, ta có thể hiểu vị khách ấy chính là nhà thơ – người
mang trong mình biết bao nỗi luyến tiếc, xót xa, những sự mặc cảm về tình
người, tình yêu. Nhà thơ ý thức được mình mãi mãi cũng chỉ là mộ vị khách xa
xôi, trong mơ mà thôi. Và ta cũng có thể hiểu “khách đường xa” ở đây một người
nào đó mà nhà thơ đang mong chờ, trông ngóng đến với ông. Điệp ngữ “khách đường
xa” càng nhấn mạnh nỗi đau đớn, xót xa ấy. Hình ảnh con người một lần nữa hiện
lên với dáng vấp của người “em” trong sắc áo trắng tinh khôi, thanh khiết. Vẻ
đẹp ấy đối với nhà thơ đã vượt trên cõi thực, bây giờ cũng trở nên thật mờ ảo,
xa ời “nhìn không ra”.“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”
Phác họa một cảnh tượng mờ ảo với “sương” và
“khói” khiến cho mọi vật trở nên hư không.“ Ở đây” có thể là thế giới riêng của
Hàn Mặc Tử - thế giới bị cách li với con người, với tình người, tình yêu, giữa
hai thế giới ấy cách đúng một tầm tuyệt vọng. Qua đó người đọc cảm nhận được
khát khao tình yêu, khát vọng sống của thi nhân. Mọi tâm tư của nhà thơ đều dồn
vào câu thơ cuối ”Ai biết tình ai có đậm đà?”. Tác giả không dám khẳng định
tình mình với cô gái Huế mà chỉ nói “ai”, đại từ phiếm chỉ “ai” dường như xuyên
suốt bài thơ. Bằng câu hỏi tu từ ẩn chứa sự hoài nghi của thi nhân đối với con
người thôn Vĩ. Không biết người xứ Huế có dành tình cảm cho mình hay không và
khẳng định tình cảm của mình đối với con người xứ Huế. Hàn Mặc Tử là một người
yêu đời, yêu người tha thiết và khát vọng được sống hạnh phúc trong tình yêu.
Vì vậy, dòng thơ cuối như xoáy vào tâm can người đọc.Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” như tiếng vọng vang xa về những nỗi đau đớn, khắc khoải mà nhà thơ đã và đang chịu đựng. Trong kí ức của nhà thơ hình ảnh thiên nhiên và con con người nơi thôn Vĩ vẫn vẹn nguyên, nhà thơ luôn khát khao được hòa nhập vào cuộc đời, được sống trong tình người ấm áp, trong tình yêu trọn vẹn. Độc giả càng thêm xót xa, thấu hiểu cho những nỗi đau thể xác lẫn tinh thần của nhà thơ, cái chết gần kề và sự sống mong manh mà nhà thơ phải đối mặt. Tuy mạch thơ đứt nối không theo tính liên tục của thời gian và duy nhất của không gian nhưng lại diễn tả mạch vận động nhất quán của dòng tâm tư. Hình ảnh thơ độc đáo giàu sức gợi, ngôn ngữ cực tả trong sáng, súc tích kết hợp sử dụng hàng lọat câu hỏi tu từ, giọng điệu da diết khiến cho trường liên tưởng được mở rộng, khung cảnh thiên nhiên trở nên giàu sức sống để nhấn mạnh hơn khao khát sống của người nghệ sĩ. Đồng thời gợi trong lòng người đọc nỗi băn khoăn, day dứt về cuộc đời.
Ghi chú: Các bạn độc giả muốn đóng góp tài liệu cho Lite Convenience liên hệ qua Email: liteconvenience@gmail.com
Copyright © ReLub.Net