Bài làm
Đôi khi trong cuộc
sống có quá nhiều những đau thương, khổ ải, những vấp ngã, chán chường khiến
con người ta muốn tìm đến văn chương để xoa dịu đi những khổ đau ấy. Ta tìm đến
Huy Cận để giải bày nỗi sầu lên cỏ cây, sông nước, ta “thoát lên tiên” cùng Thế
Lữ hay đến với Vũ Hoàng Chương mà cùng ông say chén rượu thơ để quên đi thực
tại đẫm nước mắt. Quả thực khi đọc thơ của những nhà thơ ấy ta như bị cuốn theo
những cõi huyền ảo, mộng mị của nào là kim đồng, ngọc nữ, suối đào,… Nhưng hư
ảo không thể giữ chân ta mãi, cũng đến lúc phải trả ta về với thực tại đau
thương kia. Lúc ấy, ta dừng chân tại bến tàu mang tên Xuân Diệu, người “đã đốt
cảnh bồng lai và xua ai nấy về hạ giới” (Hoài Thanh – Hoài Chân). Hướng về cuộc
sống trần thế và khao khát được sống cùng những vẻ đẹp vốn có của nó, Xuân Diệu
đã đưa độc giả trở về với thực tại tươi vui, với những cảnh sắc trần gian tuyệt
đẹp qua đôi mắt “xanh non”, “biếc rờn” của mình. Tiêu biểu là bài thơ “Vội
vàng” đã thể hiện trọn vẹn mạch nguồn xúc cảm của thơ Xuân Diệu cùng với những
triết lí sống mới mẻ. Và mười ba câu thơ đầu của bài thơ là dòng cảm xúc ngây
ngất trước cảnh sắc tuyệt đẹp nơi trần gian.
Như những con ong
cần mẫn mãi đi tìm mật ngọt, nhà thơ không ngừng đi tìm kiếm cái đẹp ở khắp mọi
nơi rồi xây thành lầu thơ tuyệt mĩ, mời gọi độc giả đến thưởng thức cùng. Với
Xuân Diệu cũng thế, cả đời ông để lại cho nhân gian biết bao thi phẩm, mỗi một
thi phẩm mở ra là mỗi một cảnh sắc đẹp đẽ hiện lên. Tất cả đều không cầu kì,
hoa mĩ mà trái lại rất giản đơn, gần gũi với thực tại. Với đứa con tinh thần
mang tên “Vội vàng”, Xuân Diệu đã chấm phá lên từng đường nét rất sắc, rất đẹp
về cảnh thiên nhiên đang độ xuân thì tươi đẹp, cùng với đó những quan niệm nhân
sinh mới mẻ qua sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa mạch cảm xúc và mạch luận
lý sâu sắc.
Đúng với cái tên
“Vội vàng” mang âm hưởng gấp gáp, vội vã, thúc giục con người. Ngay từ những
câu thơ đầu tiên, người đọc đã cảm nhận được tình cảm mà thi nhân dành cho đất
trời:
“Tôi muốn tắt nắng
đi
Cho màu đừng nhạt
mất;
Tôi muốn buộc gió
lại
Cho hương đừng bay
đi.”
Chỉ bốn câu thơ
đầu tiên, ta đã bắt gặp cái “tôi” của Xuân Diệu, một cái tôi cá nhân thật mãnh
liệt, đầy những khát khao cháy bỏng. Điệp ngữ “tôi muốn” đã thể hiện sự khát
khao đến mãnh liệt của thi nhân. Khao khát muốn “tắt nắng” và “buộc gió”, nhưng
tất cả khát khao ấy dừng lại ở hai từ “phi lý”, bởi lẽ theo quy luật của tự
nhiên “nắng” và “gió” là hai thứ mà con người bình thường không thể nào điều
khiển, chế ngự được. Ấy vậy mà, Xuân Diệu lại muốn đoạt quyền của tạo hóa, muốn
giữ nắng, giữ gió lại trong tầm tay. Đọc tiếp những câu thơ sau, chúng ta mới
hiểu được lí do của những ước muốn phi lý ấy rằng nhà thơ muốn tắt nắng để “màu
đừng nhạt mất”, muốn “buộc gió” để “hương đừng bay đi”. Xuân Diệu là người có
nhận thức rất sớm, ông hiểu được rằng màu có đẹp nhưng rồi cũng sẽ phai nhạt
theo năm tháng, hương có thơm rồi cũng sẽ đến lúc mất đi vì bay theo gió. Ước
muốn của ông đã cho độc giả thấy một Xuân Diệu với một tâm hồn yêu đời tha
thiết, mong muốn níu giữ lại những điều ngọt ngào nhất, tuyệt đẹp nhất.
Từ những khát khao
cháy bỏng ấy, Xuân Diệu đưa người đọc đến với bức tranh do chính đôi mắt ông
cảm nhận và đôi tay ông vẽ nên – một bức tranh mùa xuân đẹp hệt như chốn bồng
lai tiên cảnh:
“Của ong bướm này
đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của
đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh
sáng chớp hàng mi;”
Đối với một “Ông hoàng thơ tình” như Xuân Diệu, bức tranh mùa xuân mà ông vẽ nên cũng đẹp đến lạ thường. Bằng tất cả các giác quan, lần lượt những cảnh sắc hiện lên thật hài hòa làm sao! Mở đầu cho bức tranh tươi đẹp là hình ảnh của đôi ong bướm quấn quýt bên nhau, cùng vui trong “tuần tháng mật” đầy ngọt ngào, gợi cho ta liên tưởng về những cặp đang yêu, còn son sắc đang hưởng hạnh phúc trong “tuần trăng mật”. Có ong, có bướm thì không thể không có hoa, có màu xanh đồng nội. Xuân Diệu vẽ tiếp, trên cánh đồng hương gió nội ấy, ở đó có những đóa hoa xinh tươi làm điểm nhấn cho đồng nội xanh một màu “xanh rì”. Hoa đã rõ nét, chỉ còn thiếu lá, lá trong thơ Xuân Diệu là “lá của cành tơ phơ phất”, ấy là những chiếc lá non tơ, xanh rờn, mềm mại, thật là có cái gì đó tươi mới, trẻ đẹp vô cùng! Có cảnh vật tươi non, căng tràn nhựa sống, nhà thơ đi tìm thứ thanh âm để làm đẹp thêm cho bức tranh xuân, ông thật tinh tế khi chọn “khúc tình si” nồng nàn của yến anh. Chim yến anh – vốn là loài chim tượng trưng cho mùa xuân, mỗi độ xuân về, chúng bay lượn trên bầu trời cao, cất tiếng ca làm say đắm lòng người. Bức tranh trông có vẻ hoàn chỉnh, hài hòa, nhưng đối với cặp mắt của kẻ yêu mùa xuân như Xuân Diệu, ông không thể bỏ qua một thứ ánh sáng khiến cho bức tranh thêm lung linh, chấm bút ông viết “ Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;”. Đó không phải là thứ ánh sáng bình thường mà là “ánh sáng chớp hàng mi”, ánh sáng ấy không quá gắt nhưng đủ sứcđể làm bật nổi bức tranh xuân. Qua cách viết của nhà thơ, người đọc cũng có thể nghĩ đến đôi mắt của cô thiếu nữ, khi được ánh nắng chiếu vào, đôi mắt ấy xuất hiện đầy vẻ xuân tình và quyến rũ. Hay cũng có thể nghĩ đến đó là đôi mắt của chính nhà thơ khi nhìn thấy mùa xuân lộng lẫy đang hiện ra trước mắt. Ấy là khả năng “đồng sáng tạo”. Từ những cảm xúc dạt dào, cháy bỏng trong trái tim Xuân Diệu kết hợp với điệp từ “này đây” như một cách liệt kê, kể lể mang theo nhịp điệu nhanh, tươi vui đã góp phần vẽ nên bức tranh xuân đẹp tựa như thiên đường, nhưng thiên đường ấy chẳng phải ở đâu xa xôi mà gần ngay trước mắt thi nhân.
Tình yêu trong thơ
Xuân Diệu không chỉ gói gọn trong những cảm xúc nồng nàn của lứa đôi mà còn là
những xúc cảm nồng nhiệt trước cảnh sắc thiên nhiên, đất trời. Ông khát khao
được ôm trọn vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời vào đôi tay hăm hở của mình để mà
giữ lấy không buông. Niềm khao khát ấy đã nảy nở trong lòng người thi sĩ bấy
lâu nay và rồi vỡ òa lan ra từng câu chữ, để rồi ông thốt lên một quan niệm
sống đầy tích cực:
“Mỗi buổi sớm,
thần Vui hằng gõ cửa;”
Phép liên tưởng
độc đáo, thú vị với hình ảnh “thần Vui hằng gõ cửa” đã giúp nhà thơ mang đến
cho bạn đọc thông điệp hết sức ý nghĩa. Lắm lúc trong cuộc sống ta phải đối
diện với nhiều khó khăn, lắm thử thách, đầy rẫy những áp lực, mỗi buổi sáng
thức giấc bất giác trở thành nỗi sợ của rất nhiều người, bởi lẽ một ngày mới mở
ra đồng nghĩa với việc ta phải đương đầu với nhiều khó khăn phía trước. Nhưng
Xuân Diệu, bằng sự tin yêu, nhiệt huyết, lạc quan trong cuộc sống, ông đã đưa
ta đến với một suy nghĩ khác hoàn toàn: Mỗi một buổi sáng thức dậy là một sự
may mắn, là một niềm vui đang chờ đón, là một bất ngờ đang đón đợi… Như những
câu thơ của thi sĩ người Mỹ gốc Lebanon: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Ta
có thêm ngày nữa để yêu thương”. Vì vậy, hãy đón chào ngày mới bằng tất cả sức
mạnh tràn đầy, niềm tin yêu vào cuộc sống để tận hưởng những tinh túy của cuộc
đời. Kết thức bức thông điệp về quan niệm sống tích cực, Xuân Diệu tiếp tục với
bức tranh thiên nhiên đẹp như thiên đường, phải chăng người đã quá si mê và rồi
dòng cảm xúc dạt dào tuôn lên đầu ngọn bút thành câu:
“Tháng giêng ngon
như một cặp môi gần;”
Có thể nói, đây là
câu thơ đầy gợi cảm. Mùa xuân được xem là mùa đẹp nhất trong năm nhưng ở đây
tác giả chỉ nhắc đến tháng giêng – tháng mở đầu cho một năm mới, cho khoảnh
khắc vạn vật đổi thay, khoác lên mình màu áo mới toanh, căng tràn nhựa sống.
Con người vào khoảnh khắc ấy cũng thật trẻ trung, xinh đẹp, thiết tha yêu đời.
Bằng nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, “tháng giêng” được thi nhân cảm nhận
bằng tất cả các giác quan từ thị giác, vị giác, thính giá đến xúc giác để cuối
cùng thốt lên “ngon” đầy khát khao, sự tận hưởng mãnh liệt. Sức hấp dẫn, quyến
rũ của “tháng giêng” được ví như “cặp môi gần” của đôi lứa đang yêu nhau. Phép
so sánh đã đưa cặp môi gần đầy ngọt ngào, quyến rũ trở thành trung tâm của vũ
trụ, con người đã trở thành chuẩn mực cho cái đẹp mà trước thơ ca cổ điển chưa
từng một lần nhắc đến, chỉ lấy thiên nhiên làm chuẩn mực của cái đẹp. Câu thơ
không chỉ tả cảnh mà còn tả tình, thể hiện khát vọng sống mãnh liệt, kháo khao
tình yêu đầy táo bạo của thi sĩ.
“Tôi sung sướng.
Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng
hạ mới hoài xuân.”
Hai câu thơ bỗng
nhiên được ngăn cách bởi dấu hai chấm, như thể mạch cảm xúc trong lòng nhà thơ
bỗng dưng bị đứt đoạn. Phải chăng ông nhận ra cái niềm “sung sướng” ấy thật
ngắn ngủi, sẽ nhanh chóng lụi tàn. Thế nên, trước dự cảm về sự trôi qua nhanh
chóng của thời gian, nhà thơ đành lòng “vội vàng một nửa” để khi mùa hạ đến
lòng này khỏi nuối tiếc, hoài nhớ về mùa xuân. Qua những xúc cảm đầy nhạy cảm
ấy, quả thật, Xuân Diệu là nhà thơ của những cảm quan tinh tế về thời gian.
Bằng hình thức
nghệ thuật điêu luyện, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa những xúc cảm chân thật và
mạch luận lý, giọng điệu thơ say mê, sôi nổi kết hợp với sự sáng tạo táo bạo về
ngôn từ và “ngon” là một điển hình. Bên cạnh đó, hình ảnh trong thơ Xuân Diệu
xuất hiện cũng vô cùng độc đáo: cặp môi gần, thần Vui hằng gõ cửa… cùng các
phép tu từ đa dạng đã khiến những vần thơ của Xuân Diệu có hồn đến lạ thường, lôi
cuốn độc giả vào cõi trần gian tuyệt hảo ấy để cùng tận hưởng cùng nhà thơ.
Đồng thời, qua đó người đọc còn cảm nhận được cái “tôi” trữ tình đầy mới mẻ của
“ông hoàng thơ tình”, cái “tôi”mới mẻ về quan niệm thẩm mĩ, cái “tôi” ham sống,
yêu đời, cái “tôi” tràn đầy cảm hứng lãng mạn… Và những quan niệm nhân sinh mới
mẻ: thế giới này đẹp nhất, quyến rũ nhất là con người giữa tuổi trẻ và tình
yêu; thiên đường chính là cuộc sống tươi đẹp nơi trần thế. Chính vì thế, hãy
sống thiết tha yêu đời, hãy say đắm đến điên cuồng nhiệt, hãy ôm lấy trọn vẹn
mọi vẻ đẹp ấy rồi tận hưởng và tận hiến, để mỗi ngày trôi qua ta được sống trọn
vẹn trong tình yêu và niềm hạnh phúc.
Với Xuân Diệu, mùa
xuân được coi là “bình minh ấm” của cõi lòng ông. Mùa xuân dịu dàng đến như một
vị “thần Vui” nhẹ nhàng gõ cửa từng nhà, gõ nhẹ vào trái tim ham sống, say mê
cuộc đời, khát khao tận hưởng những khoảnh khắc hiện tại mà ông cho là đẹp đẽ
nhất. Thơ Xuân Diệu như chiếc thuyền trôi mãi không ngừng, đưa người đọc đến
hết cảnh sắc này đến cảnh sắc tuyệt trần khác, rồi neo đậu bên những dòng cảm
xúc của chính nhà thơ, lúc thì thiết tha, có lúc cuồng nhiệt, lúc mãnh liệt đến
không ngờ. Cảm xúc ấy bật lên một cách tự nhiên trong con người thi sĩ vốn đã
có máu khát khao giao cảm, sẵn sàng rung động trước đất trời, để rồi thành
những vần thơ mượt mà, tự nhiên được hiện hữu trên từng câu thơ. Chỉ với 13
dòng cảm xúc đầu, độc giả ngay lập tức đã cuốn vào mạch cảm xúc ấy, cảm xúc say
mê, ngất ngây trước cảnh sắc trần gian của nhà thơ Xuân Diệu.
Ghi chú: Các bạn độc giả muốn đóng góp tài liệu cho Lite Convenience liên hệ qua Email: liteconvenience@gmail.comdiv>
Copyright © ReLub.Net